Tóc hư tổn là tình trạng của rất nhiều người gặp phải, việc không biết cách chăm sóc đã dẫn tới tóc khô xơ, gãy rụng… Đặc biệt đối với những người hay thay đổi tạo kiểu tóc bằng các dịch vụ ép, uốn, nhuộm khiến tình trạng tóc càng xấu hơn.
Hãy cùng Salon Tóc tìm hiểu về tóc hư tổn và cách chăm sóc tóc hư tổn để lấy lại mái tóc chắc khỏe và mềm mượt nhé!
Theo một thống kê không chính thức của các bác sĩ ở Bệnh viện Da liễu TPHCM, có tới 80% người dân bị các bệnh về tóc như: nấm tóc, gàu, tóc chẻ ngọn…
Những nguyên nhân cơ bản khiến tóc hư hại như: sử dụng dầu gội không phù hợp với loại tóc. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại dầu gội đầu của các hãng dầu gội trên thế giới. Nhưng phổ biến nhất là loại dầu gội dành cho tóc thường. Trong khi đặc điểm tóc mỗi người có sự khác nhau: khô, xơ, cứng, dầu, nhờn… và kèm theo một số bệnh lý về tóc.
Có loại dầu gội kèm thuốc kháng sinh dẫn đến tình trạng tóc bị rối, bện lại sau khi gội. Uốn tóc thường xuyên, tẩy màu tóc, sấy tóc nhiều có thể làm thay đổi cấu trúc của tóc. Nguyên nhân là do các hóa chất để nhuộm, uốn, ép… thường chứa chất làm cháy nang tóc dẫn đến hiện tượng rụng tóc.
Tóc cũng có thể bị hư do lược chải quá mạnh hoặc lược quá dày, nhất là khi tóc bị ướt và bị rối. Việc trải tóc ngược chiều sợi tóc mọc cũng dễ làm tróc lớp vảy ngoài của tóc.
Những dụng cụ làm nóng tóc như: máy sấy, máy ép, máy uốn… cũng dễ làm mềm lớp keratin – là một loại protein có nhiều acid amin, làm nhiệm vụ giữ gìn hình dáng của tóc.
Hai yếu tố khách quan khác cũng là nguyên nhân gây tóc bị hư hại đó là ánh nắng mặt trời và kéo cắt tóc bị cùn. Tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời ảnh hưởng trực tiếp đến lớp ngoài của tóc làm vỡ cấu trúc Keratin khiến tóc bị khô và yếu, nhìn vào thấy có vệt sáng ở tóc. Nếu khi cắt tóc, dùng dao kéo cùn sẽ làm hư hại lớp vỏ ngoài của tóc, làm đầu sợi tóc bị chẻ ra.
Da đầu khác với những vùng da khác trên cơ thể. Nó không chỉ là nơi tập trung tuyến bã tạo chất nhờn mà còn có nhiều nang tóc để tạo ra tóc dài. Da đầu và tóc thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nhiệt độ bất thường lạnh và nóng hơn các nơi khác, đồng thời chịu nhiều tác động của những hóa chất khác nhau như dầu gội, thuốc nhuộm, uốn… Một số bệnh lý thường gặp ở da đầu như: gàu, eczema, viêm da đầu, vảy nến, chốc…
Để phòng hư tổn cho tóc:
Không nên sử dụng chung lược, kéo dùng cho tóc…
Vấn đề vệ sinh cho tóc là rất cần thiết. Tóc cũng như da, là một bộ phận cơ thể rất mẫn cảm, dễ lây nhiễm bệnh. Vì thế, dao, lược, kéo, khăn… không nên sử dụng chung, nhất là ở các tiệm cắt tóc, gội đầu. Sau mỗi lần sử dụng, nên rửa bằng nước sôi, hấp tẩy trùng qua máy để tiêu diệt sạch vi trùng từ tóc, da đầu.
Khăn choàng áo, khăn mặt nên hấp, giặt thường xuyên, phơi cẩn thận. Các dụng cụ cắt tóc như: kéo, dao… phải chú ý mài sắc chứ không nên để quá cùn khi căt tóc.
Về cách gội đầu
Nên chú ý đến kỹ thuật gội. Sử dụng các ngón tay, xoa nhẹ da đầu để làm sạch da, kích thích máu lưu thông, chứ không nên dùng móng tay cào quá mạnh trên da đầu. Mặc dù dùng móng tay khiến bạn cảm thấy thoải mái nhưng lại gây tác hại rất lớn là làm vỡ bọc dầu dưới da đầu làm da đầu nhờn, tóc dễ bị những bệnh khác.
Không gội bằng nước lạnh hoặc nóng quá sẽ hại da đầu, mà nên dùng nước ấm. Gội lần đầu với dầu gội để giúp xả hết chất bụi bẩn trên da đầu, tóc. Gội lần thứ hai sẽ giúp dầu gội thấm vào tóc, có tác dụng dưỡng tóc.
Dầu xả chỉ có công dụng là gỡ rối cho tóc chứ không có công dụng dưỡng tóc. Nên chú ý chỉ sử dụng dầu xả ở phần đuôi tóc chứ không nên dùng trên da đầu sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến da. Nên dùng loại dầu gội với dầu xả riêng lẻ, không nên dùng loại dầu gội 2 trong 1, hay 3 trong 1,…
Vệ sinh tóc – phải làm thường xuyên
Một khi sợi tóc đã bị hư hại, nhất là lớp vỏ ngoài, thì không thể sửa chữa được. Do đó, việc phòng ngừa để giảm sự hư hại của tóc là rất cần thiết.
Trước tiên, phải chọn dầu gội đầu thích hợp với tóc và da đầu, có chứa chất giúp làm sạch bụi bám và chất bã nhờn ở tóc. Một số thành phần khác cũng được đưa vào dầu gội giúp bảo vệ tóc như Protein (collagen, acid amin, panthenol, pro-vitamin B5)… Những chất này sẽ ngấm vào thân tóc, giúp tăng độ ẩm và làm tóc chắc khỏe hơn.
Vệ sinh tóc cũng là vấn đề quan trọng để có mái tóc chắc khỏe . Gội đầu thường xuyên, chải đầu đúng cách, cắt tóc đúng chiều mọc của tóc… sẽ góp phần giúp bạn có được một mái tóc đẹp. Luôn chú ý giữ gìn sức khỏe, dinh dưỡng đầy đủ, giữ tinh thần sảng khoái… sẽ giúp tóc mọc tốt. Thiếu máu, suy dinh dưỡng, kiêng khem trong ăn uống, nghiện rượu… sẽ làm rụng tóc. Thiếu chất kẽm, vitamin B làm tóc thưa, mảnh, gây mất tự tin nơi đông người.
PV Salon Tóc
Không có nhận xét nào